All posts by admin

Bộ Xây dựng chủ trì giám định vụ sập hầm thuỷ điện

-Hôm qua – 22/12, thực hiện chức năng thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải quyết sự cố sập hầm dẫn nước công trình thủy điện Đạ Dâng (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng).
Để tổ chức giám định nguyên nhân sự cố và phân định trách nhiệm, Bộ Xây dựng kiến nghị trước hết cần đình chỉ việc thi công công trình này, phong tỏa hiện trường và hồ sơ của công trình để phục vụ việc tổ chức giám định nguyên nhân sự cố.
Về việc tổ chức giám định nguyên nhân sự cố, theo quy định của Nghị định 15/2013/NĐ-CP và Thông tư số 10/2013/TT-BXD thì sự cố sập kết cấu hầm tại công trình thủy điện Đạ Dâng là sự cố cấp 2 và UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm tổ chức giám định nguyên nhân sự cố.
UBND tỉnh có thể đề nghị Bộ quản lý công trình chuyên ngành phối hợp hoặc tổ chức thực hiện giám định nguyên nhân sự cố khi cần thiết. Tuy nhiên, sự cố này có nhiều yếu tố kỹ thuật phức tạp liên quan đến quá trình thực hiện từ khâu khảo sát, thiết kế đến thi công xây dựng, đang được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Đồng thời, căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 39 Nghị định 15/2013/NĐ-CP, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan có liên quan tổ chức giám định nguyên nhân sự cố, phân định trách nhiệm của các chủ thể có liên quan tham gia hoạt động xây dựng công trình này và báo cáo Thủ tướng.
Dự án Thủy điện Đạ Dâng – Đa Chomo được xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đây là công trình xây dựng thuộc cấp III, được thực hiện theo hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý và được khởi công vào tháng 12/2003. Chủ đầu tư công trình ban đầu là Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 5, đến năm 2007 chuyển đổi chủ đầu tư sang Cty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Điện Long Hội.
 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong một lần đến kiểm tra và đôn đốc công tác cứu hộ tại hầm thuỷ điện Đạ Dâng
Nhà thầu thi công hạng mục hầm dẫn nước thủy điện Đạ Dâng ban đầu do Công ty Cổ phần Xây dựng Lũng Lô 2 triển khai, sau đó chuyển sang Công ty Cổ phần Xây dựng công trình ngầm (Vinavico) thực hiện đào và gia cố đoạn 600m đầu hầm và nay chuyển Công ty Cổ phần Sông Đà 505 thi công vỏ bọc bê tông (đoạn còn lại do Công ty Cổ phần Sông đà 10 thi công).
Sự cố sập kết cấu hầm dẫn nước công trình thủy điện Đạ Dâng xảy ra tại vị trí cách cửa hầm khoảng 460 mét, với hàng trăm mét khối đất đá sụp xuống lấp kín đường hầm làm ngăn cách, cô lập và có nguy cơ cao thiệt mạng 12 công nhân của Công ty Cổ phần Sông Đà 505 đang thi công trong hầm.

Đại gia ngân hàng và những cú sảy chân năm Ngọ

Đó chính là những đại gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng như Nguyễn Đức Kiên, Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh… Họ đã bị sảy chân vào đúng năm Giáp Ngọ – 2014.
Phạm Công Danh 
Ngày 29/7, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố  bị can và bắt tạm giam bị can đối với Phạm Công Danh. Ông Phạm Công Danh, người được biết đến với “sáng kiến” gói tín dụng 50. 000 tỉ đồng cho bất động sản (sinh năm 1965, tại Quảng Ngãi), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thiên Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Theo thông tin ban đầu, bị can có hành vi gây thất thoát nhiều tỉ đồng trong việc thuê mướn bất động sản để đặt trụ sở văn phòng. Ông Danh đã đặt cọc và ứng trước với bên cho thuê hơn 1.000 tỉ đồng dù hợp đồng với bên cho thuê trong hợp đồng được ký kéo dài 40 năm.
Cùng bị bắt tạm giam với ông Danh còn có nguyên tổng giám đốc VNCB Phan Thành Mai (sinh năm 1971, tại Nghệ An) và thành viên HĐQT Mai Hữu Khương (sinh năm 1983, tại TP.HCM).
 
Ngân hàng Xây dựng Việt Nam tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank). Vào thời điểm tái cấu trúc và đổi tên, tháng 5/2013, Trust Bank có 23 năm hoạt động với vốn điều lệ 3.000 tỷ, tổng tài sản hơn 28.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Thiên Thanh đã cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, với tôn chỉ hoạt động là ngân hàng đa năng đầu tiên tập trung phục vụ lĩnh vực xây dựng.
Trước thời điểm bị bắt hơn 1 tháng, ông Phạm Công Danh vẫn nói về những kế hoạch chuẩn bị cho đợt kỷ niệm 50 năm hoạt động của Tập đoàn Thiên Thanh và gói tín dụng liên kết 50.000 tỉ đồng về đề án phát triển ngành vật liệu xây dựng theo mô hình tập trung: Sàn giao dịch vật liệu xây dựng và Thiên Thanh với vai trò là nhà tổ chức, Ngân hàng Xây dựng với vai trò là đơn vị cung cấp tín dụng.
Thiên Thanh là tập đoàn có thế mạnh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, đã tham gia góp vốn, tái cơ cấu để cho ra đời Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Đỗ Tất Ngọc 
Ông Đỗ Tất Ngọc – nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Agribank, đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố, bắt tạm giam ngày 20/9 để điều tra về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Thông tin ban đầu cho biết, năm 2009, thực hiện chủ trương di chuyển nhà máy in ngân hàng ra khỏi nội thành, ông Đỗ Tất Ngọc đã đồng ý cho ông Phạm Ngọc Ngoạn ký hợp đồng kinh tế với Công ty cổ phần đầu tư phát triển Giáo dục và đào tạo quốc tế (Công ty INED) để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng hơn 20.300 m2 đất tại khu vực Quang Minh, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội. Công ty In – Thương mại và Dịch vụ Agribank sau đó đã chuyển khoản tiền 90 tỉ đồng cho Công ty INED.
Tuy nhiên, lô đất chuyển nhượng trên chỉ là đất thuê của nhà nước, theo diện trả tiền hàng năm. Đến nay, dự án xây dựng nhà máy in chưa được triển khai, còn số tiền hơn 90 tỉ đồng không có khả năng thu hồi.
Ông Đỗ Tất Ngọc còn bị xác định có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế trong vụ án tại Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II). Quá trình điều tra vụ án tham nhũng tại ALC II thuộc Agribank, cơ quan cảnh sát điều tra đã xác định số tiền thiệt hại hơn 500 tỉ đồng.
Hà Văn Thắm
Ngày 21/10/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố Vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng và lệnh khám xét đối với Hà Văn Thắm về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” quy định tại Điều 179 Bộ luật hình sự.
Ông Hà Văn Thắm trước khi bị bắt. 
Đến ngày 24/10, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn. Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh bắt, khám xét đối với Hà Văn Thắm (sinh năm 1972, quê quán xã An Hà, Lạng Giang, Bắc Giang) – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Chủ tịch Ủy ban Tín dụng, Chủ tịch Ủy ban Đầu tư Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương.
Quá trình thi hành lệnh bắt, khám xét đối với Hà Văn Thắm đã được thực hiện đúng quy định tại Điều 80, Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự và đã được dẫn giải về trại tạm giam Bộ Công an để điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo tài liệu điều tra ban đầu, tháng 11/2012, ông Thắm đã ký các quyết định cho Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ Trung Dung vay khoảng 500 tỷ đồng. Việc cho vay này là sai quy định dẫn đến hậu quả mất khả năng thanh toán
Chiều 24/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra thông báo về việc đình chỉ quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương đối với ông Hà Văn Thắm để phục vụ việc xử lý các vi phạm pháp luật của cá nhân ông Hà Văn Thắm.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong quá trình triển khai Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã được Bộ Chính trị, Chính phủ phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành thanh tra pháp nhân, thanh tra chất lượng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng.
Qua thanh tra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát hiện một số vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cá nhân ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương.
Nguyễn Đức Kiên
Còn gọi là “Bầu Kiên”, có lẽ là đại gia Việt bị bắt giữ gây rúng động cho dư luận nhiều nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng vào gần cuối tháng 8/2012.
Bầu Kiên tiều tụy trong phiên phúc thẩm.
Sau một thời gian tạm giam, bầu Kiên hầu tòa với 4 tội danh: Kinh doanh trái phép; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Trốn thuế. Vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng ACB do bầu Kiên cầm đầu được đánh giá là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đưa vào diện án điểm.
Nguyễn Đức Kiên (sinh ngày 13/4/1964 tại Hà Nội) trước khi bị bắt là thành viên Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Ngoài ra ông Kiên hiện còn làm Chủ tịch HĐQT Công ty Thể thao ACB, Chủ tịch HĐQT công ty Thiên Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần du lịch Chợ Lớn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn tài chính Á Châu, phó chủ tịch Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội…
Sau hơn 10 ngày xét xử phúc thẩm, hai ngày nghị án, đúng 14h chiều 15/12, TAND Tối cao Hà Nội đã tuyên án vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm trong vụ án kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.
Dù các bị cáo, luật sư bào chữa đã đưa ra nhiều lý lẽ, song phía đại diện VKSND Tối cao vẫn đề nghị y án sơ thẩm vì việc kháng cáo là không có cơ sở.
Tái khẳng định 4 tội danh của Nguyễn Đức Kiên, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo này 20 tháng tù về tội “Kinh doanh trái phép”; 6 năm 6 tháng tù về tội “Trốn thuế”, áp dụng hình phạt bổ sung bồi thường thêm hơn 75 tỷ đồng; 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, phạt bổ sung 100 triệu đồng; 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng cộng hình phạt chung đối với Nguyễn Đức Kiên là 30 năm tù.
Lĩnh vực nhạy cảm, đầy cám dỗ
Sau hàng loạt những vụ sai phạm lớn trong ngành ngân hàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trong phần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đã thừa nhận, kinh doanh tiền tệ, ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, hấp dẫn đối với các loại tội phạm, cám dỗ với một bộ phận cán bộ ngân hàng thoái hóa biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô, tham nhũng, biển thủ công quỹ, vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định, trách nhiệm của việc xảy ra các vụ việc tham nhũng, tội phạm trong ngành Ngân hàng trước hết thuộc về cá nhân, tập thể sai phạm, người đứng đầu tổ chức, đơn vị nơi xảy ra vụ việc sai phạm và cũng là trách nhiệm của lãnh đạo NHNN.
Về phía phía Bộ Công an, để xảy ra tình trạng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng, nguyên nhân quan trọng trước tiên là do cơ chế quản lý nhà nước còn sơ hở về tài chính, đất đai, tài nguyên môi trường. Bên cạnh đó tình hình kinh tế còn khó khăn, thất nghiệp nhiều, tình trạng xuống cấp đạo đức trong xã hội cũng đáng báo động. Việc xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu có lúc còn chưa nghiêm.
Xoay quanh câu chuyện một số lãnh đạo ngân hàng bị bắt giữ phục vụ công tác điều tra trong thời gian gần đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, việc bắt giữ lãnh đạo cấp cao của một số ngân hàng trong thời gian vừa qua thể hiện tính thượng tôn của pháp luật.
“Đây cũng là lời cảnh báo mạnh mẽ cho các tổ chức tín dụng và những ai đã làm sai, trục lợi cá nhân thì nên dừng lại. Đối với những người có ý định làm sai thì lấy đó là tấm gương cho mình. Dù lĩnh vực ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế thì cũng không thể vin vào cớ đó làm sai để trục lợi cá nhân. Đây là tác dụng của tái cơ cấu, đổi mới thể chế hoạt động nền kinh tế”, ông Kiên chia sẻ./.

Tàu chìm, hai anh em mất tích ba ngày

Tàu chìm, hai anh em mất tích ba ngày

(PLO) – Hai anh em ra khơi và mất liên lạc với đất liền đã ba ngày, tàu cá gặp nạn đã tìm kiếm thấy và đang trục vớt nhưng vẫn chưa tìm thấy thông tin về hai nạn nhân.
Chiều 23/12, ông Hồ Hoàng Nghiệp – Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu, Nghệ An), cho biết, lực lượng cứu hộ đang tiến hành truy tìm hai nạn nhân trong vụ chìm tàu cá mất tích trên biển sau 3 ngày.
Theo đó, khoảng 15h ngày 20/12, hai anh em ruột Nguyễn Văn Hiển (SN 1993) và Nguyễn Văn Hợi (SN 1995, trú tại thôn Sơn Hải, xã Tiến Thủy) dùng tàu cá gia đình mang số hiệu NS 3705TS có công suất 24CV ra biển đánh bắt tôm.
Khoảng 3h sáng 21/12, tàu của anh em Hiển bị mất liên lạc với đất liền. Sau nhiều nỗ lực của gia đình và lực lượng cứu hộ nhưng vẫn không liên lạc để có thông tin về 2 anh em.
Sáng ngày 23/12, chiếc tàu đánh bắt cá của ngư dân đi ngang qua phát hiện chiếc tàu này bị chìm xuống biển, tiến hành trục vớt và tìm kiếm các nạn nhân. Sau ba ngày tìm kiếm thì vẫn chưa phát hiện ra thông tin về hai anh em Hiển và Hợi.
Hiện Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình tiếp tục tìm kiếm.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội giám sát oan sai tố tụng

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ giám sát oan, sai trong tố tụng hình sự

(PLO) -Chiều qua (23/12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và cho ý kiến về nội dung Kỳ họp thứ 9 với nhiều dự án luật quan trọng của hoạt động tư pháp và tố tụng.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ làm việc trong 28,5 ngày (từ 20/5 đến 25/6/2015) để xem xét, thông qua 11 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết. Đồng thời cho ý kiến đối với 15 dự án luật, xem xét các vấn đề thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước.
Trong đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với các Dự án Bộ luật: Dân sự (sửa đổi), Hình sự (sửa đổi), Tố tụng Hình sự (sửa đổi), các dự án Luật Tố tụng Hành chính (sửa đổi); Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Tạm giữ, tạm giam; Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Trưng cầu ý dân; Biểu tình…
Tại kỳ họp này, dự kiến Quốc hội sẽ thực hiện giám sát chuyên đề “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.
Phiên họp thứ 33 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, từ kỳ họp tới, “dứt khoát phải sàng lọc kỹ dự án đảm bảo chất lượng mới đưa vào chương trình kỳ họp chứ không vội vàng, nhưng phải ưu tiên những dự án luật phục vụ cho hoạt động của bộ máy nhiệm kỳ tới”.
Về công tác đại biểu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rút kinh nghiệm về cách ứng xử, góp ý giữa các đại biểu quốc hội (ĐBQH), không để tình trạng “nói căng thẳng, xúc phạm, chì chiết lẫn nhau, để lại ấn tượng không tốt”.
Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị có giải pháp quản lý sự tham gia các phiên họp của Quốc hội của ĐBQH, không để tình trạng vắng mặt nhiều khiến dư luận đánh giá không tích cực về chất lượng kỳ họp.
Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng: “Vấn đề môi trường đang rất nghiêm trọng, cần có lực lượng để kiểm soát, chứ cứ thả nổi thì không biết bao nhiêu bệnh viện mới đủ để giải quyết các vấn đề sức khỏe của cộng đồng liên quan đến môi trường”. Đó là một trong những lý do UBTVQH thông qua Dự thảo Pháp lệnh về Cảnh sát Môi trường tại Phiên họp thứ 33 diễn ra chiều qua (23/12). Theo đó, sự thay đổi đáng kể về tổ chức của lực lượng Cảnh sát Môi trường là Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP) về môi trường được thuộc Bộ Công an thay vì thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an) như hiện nay. Đồng thời, có Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Đội Cảnh sát PCTP về môi trường thuộc Công an  quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương.

Giá xăng giảm, Bộ GTVT “lệnh” giảm giá cước vận tải

Giá xăng giảm, Bộ GTVT “lệnh” giảm giá cước vận tải

Ảnh minh họa
(PLO) – Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải thành lập đoàn kiểm tra, rà soát việc kê khai và niêm yết giá cước của các đơn vị vận tải trên địa bàn.
Ngày 23/12/2014, Bộ GTVT có Công điện số 120/CĐ-BGTVT điện UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị kiểm tra kê khai, niêm yết giá cước, thực hiện giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu giảm.
Công điện nêu rõ, từ đầu năm 2014 đến nay, Liên Bộ Tài chính – Bộ Công thương đã 15 lần điều chỉnh giá xăng và 21 lần điều chỉnh giá dầu, theo đó giá xăng dầu đã giảm mạnh tính từ tháng 12/2013 đến nay, cụ thể giá xăng đã giảm 5.330 đ/lít (giảm khoảng 25%), giá dầu đã giảm 6.590 đ/lít (giảm khoảng 35%) so với cùng kỳ năm trước; trong đó, riêng ngày 22/12/2014, giá xăng đã điều chỉnh giảm 2000 đ/lít.
Để thực hiện tốt công tác quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô, đặc biệt trong giai đoạn Tết Dương lịch và Tết Âm lịch năm 2015 khi nhu cầu vận chuyển của hành khách tăng cao; để đảm bảo giá cước vận tải điều chỉnh phù hợp khi giá nhiên liệu đã giảm nhiều, đảm bảo quyền lợi của hành khách, góp phần giảm giá thành các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ khác.
Bộ Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải thành lập đoàn kiểm tra, rà soát việc kê khai và niêm yết giá cước của các đơn vị vận tải trên địa bàn; yêu cầu các đơn vị phải kê khai giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu giảm; kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị vận tải thực hiện không đúng các quy định về kê khai và niêm yết giá cước.
Yêu cầu Sở Giao thông vận tải tham mưu đề xuất danh sách các đơn vị kinh doanh vận tải cần kiểm tra, tổng hợp tình hình kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về quản lý giá cước và tình hình giảm giá cước của các đơn vị trên địa bàn, báo cáo về Bộ Giao thông vận tải qua Vụ Vận tải đợt 1 trước 4/1/2015, đợt 2 trước 15/2/2015 và đợt 3 trước 30/3/2015.
Từ đầu năm đến nay, Liên Bộ Tài chính-Công Thương đã 15 lần điều chỉnh giá xăng và 21 lần điều chỉnh giá dầu. Tính từ tháng 12/2013 đến nay, giá xăng đã giảm 5.330 đồng/lít (giảm khoảng 25%), giá dầu đã giảm 6.590 đồng/lít (giảm khoảng 35%) so với cùng kỳ năm trước. Riêng ngày 22/12, giá xăng đã điều chỉnh giảm 2.000 đồng/lít.

Test tin tức

Hôm qua – 22/12, thực hiện chức năng thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải quyết sự cố sập hầm dẫn nước công trình thủy điện Đạ Dâng (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng).
Để tổ chức giám định nguyên nhân sự cố và phân định trách nhiệm, Bộ Xây dựng kiến nghị trước hết cần đình chỉ việc thi công công trình này, phong tỏa hiện trường và hồ sơ của công trình để phục vụ việc tổ chức giám định nguyên nhân sự cố.

Về việc tổ chức giám định nguyên nhân sự cố, theo quy định của Nghị định 15/2013/NĐ-CP và Thông tư số 10/2013/TT-BXD thì sự cố sập kết cấu hầm tại công trình thủy điện Đạ Dâng là sự cố cấp 2 và UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm tổ chức giám định nguyên nhân sự cố.

UBND tỉnh có thể đề nghị Bộ quản lý công trình chuyên ngành phối hợp hoặc tổ chức thực hiện giám định nguyên nhân sự cố khi cần thiết. Tuy nhiên, sự cố này có nhiều yếu tố kỹ thuật phức tạp liên quan đến quá trình thực hiện từ khâu khảo sát, thiết kế đến thi công xây dựng, đang được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Đồng thời, căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 39 Nghị định 15/2013/NĐ-CP, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan có liên quan tổ chức giám định nguyên nhân sự cố, phân định trách nhiệm của các chủ thể có liên quan tham gia hoạt động xây dựng công trình này và báo cáo Thủ tướng.

Dự án Thủy điện Đạ Dâng – Đa Chomo được xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đây là công trình xây dựng thuộc cấp III, được thực hiện theo hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý và được khởi công vào tháng 12/2003. Chủ đầu tư công trình ban đầu là Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 5, đến năm 2007 chuyển đổi chủ đầu tư sang Cty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Điện Long Hội.