Kỳ họp thứ 9, Quốc hội giám sát oan sai tố tụng

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ giám sát oan, sai trong tố tụng hình sự

(PLO) -Chiều qua (23/12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và cho ý kiến về nội dung Kỳ họp thứ 9 với nhiều dự án luật quan trọng của hoạt động tư pháp và tố tụng.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ làm việc trong 28,5 ngày (từ 20/5 đến 25/6/2015) để xem xét, thông qua 11 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết. Đồng thời cho ý kiến đối với 15 dự án luật, xem xét các vấn đề thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước.
Trong đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với các Dự án Bộ luật: Dân sự (sửa đổi), Hình sự (sửa đổi), Tố tụng Hình sự (sửa đổi), các dự án Luật Tố tụng Hành chính (sửa đổi); Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Tạm giữ, tạm giam; Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Trưng cầu ý dân; Biểu tình…
Tại kỳ họp này, dự kiến Quốc hội sẽ thực hiện giám sát chuyên đề “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.
Phiên họp thứ 33 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, từ kỳ họp tới, “dứt khoát phải sàng lọc kỹ dự án đảm bảo chất lượng mới đưa vào chương trình kỳ họp chứ không vội vàng, nhưng phải ưu tiên những dự án luật phục vụ cho hoạt động của bộ máy nhiệm kỳ tới”.
Về công tác đại biểu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rút kinh nghiệm về cách ứng xử, góp ý giữa các đại biểu quốc hội (ĐBQH), không để tình trạng “nói căng thẳng, xúc phạm, chì chiết lẫn nhau, để lại ấn tượng không tốt”.
Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị có giải pháp quản lý sự tham gia các phiên họp của Quốc hội của ĐBQH, không để tình trạng vắng mặt nhiều khiến dư luận đánh giá không tích cực về chất lượng kỳ họp.
Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng: “Vấn đề môi trường đang rất nghiêm trọng, cần có lực lượng để kiểm soát, chứ cứ thả nổi thì không biết bao nhiêu bệnh viện mới đủ để giải quyết các vấn đề sức khỏe của cộng đồng liên quan đến môi trường”. Đó là một trong những lý do UBTVQH thông qua Dự thảo Pháp lệnh về Cảnh sát Môi trường tại Phiên họp thứ 33 diễn ra chiều qua (23/12). Theo đó, sự thay đổi đáng kể về tổ chức của lực lượng Cảnh sát Môi trường là Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP) về môi trường được thuộc Bộ Công an thay vì thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an) như hiện nay. Đồng thời, có Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Đội Cảnh sát PCTP về môi trường thuộc Công an  quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương.

Trả lời